Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Lời cuối của cụ bà Việt kiều mê "đỏ đen"

Người đến dự tòa tại TAND TP HCM khá ngạc nhiên vì thấy một bà cụ tóc bạc trắng, bị còng tay, dáng run rẩy, từng bước mệt nhọc theo cảnh sát vào phòng xử

Cũng vì sức khỏe bị cáo không bảo đảm nên HĐXX sơ thẩm cho phép bà ngồi trong suốt thời gian xét xử.

Canh bạc đỏ đen đưa lối

Trong căn phòng xử rộng và vắng người, bị cáo chỉ ngồi lặng lẽ đợi các vị bồi thẩm đoàn vì bà biết chẳng có ai là chỗ dựa tinh thần lúc này. Lưng còng, những sợi tóc bạc lòa xòa rũ xuống. Hai tay bà chắp lại như trĩu xuống trong sức nặng của cái còng lạnh giá. Co ro, bà chờ đợi. Nhiều bước chân đi ngang qua, bà cũng mặc nhiên như không biết. Bà chờ đợi phiên tòa đầu tiên và cũng là cuối cùng trong cuộc đời mình.

Bị cáo Nguyễn Thị Quang nói lời sau cùng

Bị cáo Nguyễn Thị Quang nói lời sau cùng

Mấy ai biết được bị cáo tóc trắng phau này là một Việt kiều. Tối 20/5/2016, hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thấy trong va-li của hành khách Nguyễn Thị Quang (78 tuổi, quốc tịch Úc) trên chuyến bay từ Việt Nam đi Úc có 5 hũ nhựa đựng mắm. Khả nghi, hải quan kiểm tra, phát hiện bên trong mỗi hũ mắm có bịch ni-lông chứa chất bột màu trắng. Qua giám định, hải quan khá bất ngờ vì cụ già này vận chuyển trái phép gần 4.182 g heroin .

Tại tòa, bị cáo Quang khai nhận vợ chồng bà định cư ở Úc từ năm 1991. Thỉnh thoảng, bà đến casino gần nhà đánh bạc. Sau nhiều lần thua trên chiếu bạc, bà mắc nợ 4.000 đô la Úc. Khoảng đầu năm 2016, trong một lần đỏ đen ở casino, bà làm quen với một phụ nữ tên Lộc. Người này ngỏ ý giúp bà kiếm tiền trả nợ. Nghĩ không có gì để mất, bà nhận lời ngay mà không suy xét nông sâu.

Tại tòa, bị cáo run run khai nhận: "Lộc đề nghị bị cáo về Việt Nam mang ma túy sang Úc và hứa trả công 40.000 đô la Úc. Bị cáo được ứng trước 5.000 đô la". Những đồng tiền tội lỗi đó và chiếc va-li từ một phụ nữ tên Bé Hai đưa đến đã khép lại cánh cửa cuộc đời bà từ lúc nào bà cũng không nhớ rõ.

Tuổi tác cứu vãn mức án

Cơ quan công tố cáo buộc Nguyễn Thị Quang tội danh "Vận chuyển trái phép chất ma túy" với khung hình phạt từ chung thân đến tử hình. Đại diện VKSND TP HCM nhận định vì khối lượng ma túy thu giữ quá lớn nên pháp luật cần nghiêm trị, lấy đó để răn đe, giáo dục. Dù vậy, vị đại diện VKS đã ghi nhận tình tiết bị cáo tuổi cao và có thái độ thành khẩn, hối lỗi.

Trong phần bào chữa, luật sư chia sẻ trong quá trình tiếp xúc, bà nhận thấy bị cáo bị hạn chế khả năng nghe. Đây cũng là một phần nguyên nhân bị cáo tiếp nhận thông tin không đầy đủ từ người thuê vận chuyển ma túy. "Có lẽ, bị cáo đồng ý làm thuê lấy tiền công nhưng không ý thức hết mức độ nghiêm trọng và hậu quả mình phải gánh chịu" - vị luật sư trình bày. Ngoài ra, không con cái, chồng lại mất nên bà lão này tìm quên trong cờ bạc để rồi đưa đẩy đến việc phạm trọng tội lúc tuổi cao, sức yếu.

Suốt phiên xử, bị cáo cố gắng muốn biết những lời phán xử nhưng đành bất lực. Cứ mỗi lúc HĐXX xét hỏi hay luận tội bà lại quay sang nghe nữ cảnh sát ngồi kế bên truyền đạt lại lời. Mọi cố gắng rồi cũng đến lúc kết thúc. Khó nhọc thở từng hơi, bị cáo Nguyễn Thị Quang nói lời sau cùng: "Xin HĐXX cho bị cáo nói vài lời. Bị cáo nhận tội. Bị cáo thấy mình có lỗi với nhà nước. Mong HĐXX xem xét khoan hồng!".

Giờ nghị án, người con nuôi, cũng là người thân duy nhất của bị cáo ở Việt Nam, thấp thỏm nhìn lên phía mẹ. Liệu bà có thể nào chịu nổi những cơn ấm lạnh khi tiết trời chuyển mùa? Ai sẽ là người nghe bà kể lể những chuyện không đầu không cuối vào những lúc bà buồn miệng, muốn nói chuyện? Rồi khi đau lưng, nhức mỏi bà càm ràm với ai… Biết người con lo lắng, vị nữ luật sư đến bên để hướng dẫn cho ông các thủ tục để thăm nuôi người thân.

Sau khi nghe tuyên án tù chung thân, bà lão lê từng bước xuống bậc tam cấp. Chẳng biết rồi mai này bà còn nhớ đến những canh bạc đã đưa bà về với Việt Nam, nhớ đến cái phiên tòa mà chắc suốt cả cuộc đời bà chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bước chân vào. Nhớ đến những bước chân của mình không có lối về dù đường đời muôn nẻo...

Trong mọi tình huống, pháp luật không bao giờ dung thứ cho người gieo rắc cái chết trắng.

Theo Người lao động

Bài viết thuộc chuyên mục Pháp luật

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Tags

pháp luật

0

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Social Profiles

Twitter Facebook Google Plus LinkedIn RSS Feed Email Pinterest

Popular Posts

Blog Archive